Thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng trong đào tạo, đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông, vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường Sư phạm là hết sức cần thiết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện đổi mới căn bản giáo dục toàn diện. Đây cũng là điều kiện để xây dựng mức thang chuẩn về sản phẩm đầu ra đối với giáo viên phổ thông.
Với chủ đề "Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông", tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng công tác đào tạo hiện nay, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp cụ thể đối với công tác đào tạo, cũng như xây dựng thang chuẩn đầu ra đối với các ngành đào tạo Sư phạm.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất về xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên, cũng như chia sẻ nguồn lực và cơ chế phối hợp giữa các Sở Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức bồi dưỡng giáo viên.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã đánh giá cao sáng kiến thành lập Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm. Mặc dầu trong một thời gian rất ngắn nhưng Câu lạc bộ đã tổ chức 6 hội nghị bàn 6 chủ đề cụ thể để các trường đại học sư phạm có tiếng nói chung, tạo hành động thống nhất để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Song, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đã chỉ ra những tồn tại của các trường đại học sư phạm đó là: ít quan tâm đến nghiên cứu khoa học giáo dục; chưa xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo với thực tiễn sinh động của giáo dục phổ thông; ít liên hệ với công tác đào tạo giáo viên của các nước trên thế giới. Từ đó, đồng chí cũng nhấn mạnh về những yêu cầu đối với giảng viên trường đại học và công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phổ thông. Đối với giảng viên các trường đại học sư phạm cần phải hình thành 4 năng lực cơ bản, đó là: năng lực phát triển chương trình, năng lực nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học giáo dục; năng lực đổi mới phương pháp giảng dạy, công tác đào tạo và năng lực về công nghệ thông tin. Đối với cản bộ quản lý của các trường phổ thông cần phải học tập, làm việc như một giáo viên thực thụ. Thực thi đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, học cách thức quản lý chương trình phổ thông mới sắp tới. Cần phải đổi mới nội dung chương trình đào tạo cán bộ quản lý giáo dục gắn với từng địa phương để cán bộ quản lý giáo dục tại các địa phương tham gia với các trường đại học sư phạm trong đào tạo cán bộ quản lý của các trường trung học phổ thông. Về hình thức bồi dưỡng giáo viên phổ thông hiện nay cần phải nhấn mạnh việc tự học là chính. Cách thức bồi dưỡng phải kết hợp nhiều phương pháp, từ đó giảng viên các trường đại học sư phạm phải thiết kế bài giảng, xây dựng kịch bản bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng được cơ chế để quản lý quá trình tự học của giáo viên. Một điều hết sức quan trọng là phải xây dựng được đội ngũ giáo viên cốt cán thành mạng lưới cộng tác đắc lực với các trường đại học sư phạm, khi đó mới tạo được mối liên hệ thống nhất, chặt chẽ, khoa học, có tính tương tác cao giữa các trường đại học sư phạm với từng địa phương, từng nhà trường. Về giải pháp, cần phải có hợp đồng chặt chẽ giữa các trường đại học sư phạm với cơ quan quản lý giáo dục địa phương để xác định đúng yêu cầu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xác định rõ ràng trách nhiệm của mỗi bên, cùng hợp tác, cùng có lợi.
Cũng nhân dịp Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển mong muốn các trường đại học sư phạm tích cực hơn, khoa học hơn, cộng tác hơn vì sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cả nước. Thứ trưởng cũng đã chủ trì buổi làm việc giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng thế giới và lãnh đạo các trường đại học sư phạm để thống nhất cơ chế giữa Chính phủ, Ngân hàng thế giới, các trường đại học sư phạm tạo nguồn lực để triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông.